Chi tiết tin

Posted by

Chủ động chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp, đồng thời áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, chị Phạm Thị Đẹp, ấp Tân Phong, xã Tân Hội, thị xã Cai Lậy là một điển hình nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi đã thoát nghèo bền vững nhờ mô hình nuôi vịt đẻ chuyên trứng TC kết hợp đệm lót sinh học.

​​Giống vịt TC.

Chị Đẹp cho biết, trước đây, gia đình chị có 3 công ruộng là nguồn thu nhập chính với 5 nhân khẩu, cuộc sống, gặp không ít khó khăn, nhất là lo cho các con trong tuổi ăn học. Không đầu hàng số phận, sau ngày cưới, chị quyết định mua 150 con vịt siêu thịt về nuôi, do lợi nhuận mang lại khá cao, năm sau chị tăng đàn lên gấp đôi. Ngoài việc nuôi vịt thịt, chị còn nuôi thêm 500 vịt đẻ trứng. Qua nhiều năm gắn bó với nghề nuôi vịt, chị gặp không ít khó khăn như thiếu vốn, kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, giá thức ăn tăng vọt, thậm chí có những thời điểm chị phải cho vịt chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây, tận dụng thức ăn tự nhiên ngoài đồng như lúa đổ ngã, ốc, cua để hạn chế chi phí thức ăn. Chính vì vậy khi dịch bệnh phát sinh, chị phải tốn nhiều chi phí thuốc kháng sinh trong phòng trị bệnh cho vịt, chưa kể tỷ lệ đẻ trứng thấp do vận chuyển liên tục, không có chuồng trại ổn định, vịt đẻ trứng bẩn, thương lái thu mua giá thấp, nên thu nhập không ổn định.

Tham Khảo Thêm:  Quy trình nuôi heo nái hậu bị và phương pháp đánh giá chọn lọc

Đầu năm 2016, chị Đẹp được tiếp cận với kỹ thuật chăn nuôi vịt mới thông qua mô hình nuôi vịt đẻ chuyên trứng TC kết hợp đệm lót sinh học do Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang, Trung tâm Nghiên cứu, phát triển chăn nuôi gia cầm Vigova và Trạm Khuyến nông thị xã Cai Lậy chọn tham gia mô hình này. Chị được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho vịt, không bao lâu sau, chị thành thạo kỹ thuật và nuôi vịt đạt hiệu quả cao. Những kinh nghiệm tích lũy được, chị sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn bà con thông qua các buổi họp tổ, chi hội phụ nữ ấp để mở rộng mô hình chăn nuôi. Đặc biệt, với hình thức nuôi nhốt có sử dụng đệm lót sinh học, giống vịt TC cho năng suất trứng cao, phẩm chất thịt ngon.

Nhờ sử dụng đệm lót sinh học nên mùi hôi của phân và các chất thải khác trong chăn nuôi vịt giảm hẳn, không gây ô nhiễm môi trường xung quanh, vịt khỏe mạnh, ít dịch bệnh, tỉ lệ hao hụt thấp, tiết kiệm chi phí thuốc thú y, hàng ngày không phải dọn phân trong chuồng nuôi. Theo chị Đẹp, vịt TC phát triển tốt, thích nghi với điều kiện chăn nuôi của địa phương, khả năng kháng bệnh tốt, vịt khỏe mạnh hơn so với các giống khác và đẻ sai, tỉ lệ nuôi sống 96%, trọng lượng bình quân từ 1,5 – 1,6 kg/con, vịt đẻ sớm sau 14 tuần tuổi, tỉ lệ đẻ 80 – 95%, tỉ lệ ấp, nở đạt trên 85%; chi phí thức ăn thấp; trứng có vỏ dày, màu đẹp, bán giá cao hơn thị trường. Hiện chị có 1.000 con vịt đẻ, ước thu nhập 15 – 18 triệu đồng/tháng, trừ các khoản chi phí, chị thu lãi 150 triệu đồng/năm.

Tham Khảo Thêm:  Chim Yến Phụng có biết nói không? Ăn gì? Giá bao nhiêu tiền

Qua tích lũy, chị Đẹp mua thêm 11 công ruộng lên vườn trồng 6,5 công sầu riêng hạt lép giống Monthong và 4,5 công mít Thái siêu sớm, nuôi 3 con ăn học đến nơi đến chốn và có việc làm ổn định tại TP. Hồ Chí Minh.

Được biết, mô hình nuôi vịt chuyên trứng TC ứng dụng đệm lót sinh học theo phương thức nuôi nhốt có nhiều ưu điểm cho thu nhập ổn định, bảo vệ môi trường, kiểm soát được dịch bệnh nên giảm rủi ro trong chăn nuôi. Đây là mô hình thay thế cho mô hình vịt chạy đồng truyền thống không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay nên được nhân rộng ra nhiều địa phương khác. Đến nay mô hình này đã nhân rộng được 23 hộ trong và ngoài xã.

Thảo Quyên – Tấn Cường